Góp Vốn Thành Lập Doanh Nghiệp Bằng Sở Hữu Trí Tuệ nội dung bài viết này phù hợp với các bạn sinh viên cần tìm lại liệu kham thảo chất lượng để làm bài khóa luận tốt nghiệp được hoàn thiện nhất. Nội dung bài viết bao gồm khái niệm góp vốn thành lập doanh nghiệp và đặc điểm của góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ.
Khi làm báo cáo, khóa luận chắc hẳn các bạn sinh viên gặp một số khó khăn nhất định như không tìm được công ty, hay đề tài, không hoàn thành bài tốt, có thể liên hệ qua dịch vụ viết khóa luận thuê của Luận Văn Trust qua Zalo/Tele: 0917.193.864
1. Khái niệm góp vốn thành lập doanh nghiệp
- Khi hai hay nhiều người trở lên cùng góp vốn để thành lập một doanh nghiệp, với mục đích tiến hành hoạt động kinh doanh nào đó nhằm kiếm lời chia nhau thì có nghĩa là họ đã tạo ra một doanh nghiệp hoàn toàn mới. Theo quy định của Bộ luật dân sự của Pháp, doanh nghiệp được thành lập bởi hai hoặc nhiều người trên cơ sở hợp đồng ghi nhận việc đóng góp tài sản của họ vào hoạt động kinh doanh nhằm chia sẻ lợi nhuận hoặc thu lợi [1].
- Trên phương diện pháp lý có thể hiểu rằng doanh nghiệp là một thực thể pháp lý được hình thành trên cơ sở thỏa thuận đóng góp tài sản của các chủ thể kinh doanh, được ghi nhận bởi luật pháp để tiến hành hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, cũng như chia sẽ các rủi ro. Có thể nhận định rằng, doanh nghiệp ra đời là kết quả của việc thực hiện nguyên tắc tự do kinh doanh, tự do kết tước và tự do lập hội. Trên cơ sở sự thỏa thuận giữa các bên, doanh nghiệp được hình thành.
- Lý thuyết hợp đồng xem doanh nghiệp được thành lập theo hợp đồng tư nhân, trong đó vai trò của nhà nước bị giới hạn trong việc thực thi hợp đồng [2]. Vì vậy, doanh nghiệp được xem một bản hợp đồng giữa vô số các bên, trong đó, góp vốn vừa là tiền đề, vừa là nội dung của thỏa thuận thành lập doanh nghiệp.
- Để một doanh nghiệp ra đời và hoạt động, vốn là điều kiện tiên quyết. Ban đầu, vốn được hình thành từ vốn góp của các thành viên. Đó là số tiền hoặc tài sản mà doanh nghiệp nhận được từ cổ đông [3]. Từ việc chuyển giao tiền hoặc các tài sản khác của các thành viên, cổ đông sáng lập vào doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tiên sẽ thiết lập. Góp vốn thường được đề cập đến trong các bài nghiên cứu khoa học dưới hai khía cạnh pháp lý và kinh tế:
- Xét về mặt kinh tế, góp vốn là việc các thành viên tự nguyện đóng góp tài sản của mình vào doanh nghiệp nhằm mục đích kinh doanh và thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đó [4]. Với việc góp vốn, nguồn vốn ban đầu của doanh nghiệp được hình thành nhằm đảm bảo chi phí hoạt động của doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi. cho các chủ nợ.

- Ở khía cạnh pháp lý, góp vốn có thể hiểu là hành vi chuyển giao tài sản, nói cách khác là hành vi chuyển các quyền đối với tài sản là vốn góp để đổi lấy quyền lợi đối với doanh nghiệp [5]. Khi đưa tài sản vào để góp vốn, quyền sở hữu tài sản hoặc quyền hưởng dụng chuyển dịch từ chủ thể góp vốn sang doanh nghiệp, đổi lại, chủ thể góp vốn sẽ được nhận được những lợi ích nhất định tương ứng với phần vốn góp của mình.
- Ở Việt Nam, khái niệm góp vốn được ghi nhận từ khá sớm trong pháp luật doanh nghiệp và đã có những thay đổi qua các thời kỳ. Theo Luật Doanh nghiệp 1999 và Luật Doanh nghiệp 2005: “Góp vốn là việc đưa tài sản vào doanh nghiệp để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của doanh nghiệp”. Còn Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của doanh nghiệp. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập”. Tương tự, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của doanh nghiệp, bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập” (Khoản 18 Điều 4).
- Góp vốn bao gồm hai mục đích: góp vốn để thành lập doanh nghiệp và góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã thành lập. Ở khía cạnh kinh tế, góp vốn để thành lập doanh nghiệp hay góp thêm vốn điều lệ vào doanh nghiệp đã thành lập đều là việc chủ thể góp vốn đưa tài sản vào doanh nghiệp để đổi lấy lợi ích và quyền đối với doanh nghiệp, tuy nhiên, hệ quả pháp lý của hai hành vi này lại khác nhau.
- Cụ thể, nếu như việc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã thành lập nhằm mục đích tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp đã có sẵn thì góp vốn thành lập doanh nghiệp nhằm tạo ra một thực thể pháp lý độc lập. Thực thể pháp lý này có khả năng tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự, nghĩa là có năng lực hành vi và có tài sản riêng để bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Bên cạnh đó, trên cơ sở thỏa thuận góp vốn thành lập doanh nghiệp, các thỏa thuận khác liên quan đến việc hình thành và tồn tại của doanh nghiệp cũng được xác lập. Do đó, việc góp vốn thành lập doanh nghiệp mới hoàn toàn không phải là một thỏa thuận riêng rẽ như việc góp vốn vào doanh nghiệp đã thành lập mà thỏa thuận này được nằm trong các văn bản pháp lý của doanh nghiệp.
- Xét ở nghĩa hẹp, góp vốn thành lập doanh nghiệp nhằm tạo ra một thực thể pháp lý độc lập. Thực thể pháp lý này có khả năng tự mình thực hiện được các quyền và nghĩa vụ nêu trên, nghĩa là có năng lực hành vi , có tài sản riêng để bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Bên cạnh đó, trên cơ sở thỏa thuận góp vốn thành lập doanh nghiệp, các thỏa thuận khác liên quan đến việc hình thành và tồn tại của doanh nghiệp cũng được xác lập. Ở nghĩa rộng hơn, thỏa thuận góp vốn để xác lập doanh nghiệp có thể được hiểu như thỏa thuận thành lập doanh nghiệp hay nói một cách khác đó chính là hợp đồng thành lập doanh nghiệp giữa các chủ thể góp vốn.
- Như vậy, góp vốn thành lập doanh nghiệp không chỉ đơn giản chỉ là việc đóng góp tài sản hay việc chuyển giao tài sản từ thành viên sang doanh nghiệp mà thực chất đó là sự thỏa thuận của các thành viên về việc đóng góp tài sản của chính mình để thành lập một thực thể pháp lý mới cũng như các quyền lợi và bổn phận của các phát sinh từ việc đóng góp tài sản của các thành viên và đối với thực thể pháp lý mới được hình thành.
XEM THÊM ==> Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh [ Đề Tài + Mẫu Điểm Cao]
2. Đặc điểm của góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ
- Thứ nhất, sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp là một hình thức góp vốn bằng quyền tài sản.
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền nhân thân cùng quyền tài sản. Quyền nhân thân gắn liền với cá nhân sáng tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ, trong khi đó, các quyền tài sản được dành cho các cá nhân, tổ chức sở hữu đối với đối tượng sở hữu trí tuệ. Việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ không đồng nghĩa với việc chuyển giao toàn bộ các quyền đối với đối tượng sở hữu trí tuệ. Chủ sở hữu (CSH) quyền sở hữu trí tuệ chỉ có quyền sử dụng các quyền tài sản để góp vốn. Các quyền nhân thân vẫn thuộc về người sáng tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ.
Do đó, bên nhận góp vốn khi trở thành chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ vẫn phải tôn trọng và đảm bảo các quyền nhân thân của tác giả đối với chủ thể sở hữu trí tuệ, cũng như phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về tài sản đối với tác giả (nếu có).
Như vậy, góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ thực chất là việc góp vốn bằng các quyền tài sản thuộc quyền sở hữu trí tuệ. Sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp không làm mất đi quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể khác đối với cùng một đối tượng sở hữu trí tuệ.
- Thứ hai, đối tượng của góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản vô hình.
Xuất phát từ đặc tính vô hình của quyền sở hữu trí tuệ mà quyền sở hữu loại tài sản này không mang tính tuyệt đối. Điều này xuất phát từ nguyên tắc bảo hộ đối với quyền sở hữu trí tuệ, đó là ngoài việc đảm bảo lợi ích của các chủ thể tạo ra đối tượng còn phải đảm bảo sự hài hòa cân bằng lợi ích cá nhân và lợi ích công cộng. Vì vậy, bên cạnh các CSH quyền sở hữu trí tuệ và các chủ thể khác được CSH cho phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ này thì các tổ chức, cá nhân khác trong một số trường hợp nhất định vẫn được phép sử dụng mà không cần có sự đồng thuận của chủ sở hữu loại tài sản này.
Bên cạnh đó, với tính chất vô hình của quyền sở hữu trí tuệ mà đối tượng của việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ sẽ không bị hao mòn trong suốt thời gian sử dụng, mà sự biến động của giá trị loại tài sản này thường phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động kinh doanh của chính bản thân doanh nghiệp. Mặt khác, không phải tất cả các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ đều được quyền sử dụng để góp vốn. Xuất phát từ các đặc trưng cũng như vai trò riêng biệt của mỗi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nên một số đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bị hạn chế góp vốn. Chẳng hạn, chỉ dẫn địa lý là đối tượng không được phép chuyển giao, do đó, quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý cũng không được phép sử dụng trong hoạt động góp vốn.
- Thứ ba, việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp bị giới hạn bởi cả phạm vi không gian và thời gian.
Bởi vì bản thân quyền sở hữu trí tuệ bị giới hạn về cả thời gian và không gian bảo hộ. Mặc dù pháp luật ghi nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhưng độc quyền sở hữu trí tuệ chỉ thuộc sở hữu của chủ sở hữu trong một thời hạn nhất định (hay còn gọi là thời hạn bảo hộ).
Ví dụ, bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn; trong khi bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài chỉ trong mười năm kể từ ngày nộp đơn[6]. Hết thời hạn đó, cho dù độc quyền sở hữu trí tuệ còn hay không còn giá trị sử dụng thì quyền sở hữu đối với tài sản này sẽ chấm dứt, độc quyền sở hữu trí tuệ sẽ không còn và tài sản sở hữu trí tuệ sẽ trở thành tài sản công cộng, bất kỳ chủ thể nào cũng đều được cấp quyền sử dụng.
Vì vậy, trong hoạt động sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp cần phải lưu ý rằng văn bằng bảo hộ cấp cho đối tượng đó đã hết thời hạn bảo hộ hay chưa, nếu còn thì thời hạn bảo hộ còn lại là bao lâu. Thời hạn góp vốn thành lập sẽ không được phép vượt quá thời hạn bảo hộ của đối tượng góp vốn nêu trên.
Không chỉ bị giới hạn về mặt thời gian, góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ còn bị giới hạn bởi phạm vi không gian. Tài sản góp vốn là quyền sở hữu trí tuệ chỉ được ghi nhận và bảo hộ trong phạm vi một quốc gia cụ thể. Thông thường, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ sẽ được bảo hộ tại một quốc gia nhất định. Độc quyền sở hữu trí tuệ chỉ bảo hộ cho một chủ thể duy nhất trong phạm vi một quốc gia cụ thể. Vì lẽ đó, chỉ khi góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia bảo hộ thì độc quyền sở hữu trí tuệ mới được bảo vệ trong quốc gia đó.
Nói cách khác, ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia bảo hộ, chủ thể góp vốn không còn được xác định là chủ sở hữu hợp pháp của quyền sở hữu trí tuệ và không thể đòi hỏi bất cứ sự bảo vệ nào đối với đối tượng sở hữu trí tuệ. Do đó, việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ ngoài phạm vi quốc gia bảo hộ có thể khiến cho việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ không còn hợp pháp và có thể phát sinh các tranh chấp.

- Thứ tư, việc định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp là quyền sở hữu trí tuệ khó có thể áp dụng các phương pháp truyền thống trong việc định giá các tài sản hữu hình và khó có thể định giá một cách chính xác quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng góp vốn.
Việc sử dụng các tài sản phi tiền tệ nói chung và quyền sở hữu trí tuệ nói riêng để góp vốn cần phải được định giá để xác định giá trị của tài sản góp vốn cũng như tỷ lệ góp vốn của chủ thể góp vốn. Tuy nhiên, để định giá được giá trị quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng một cách chính xác là điều không hề dễ dàng. Đối với các tài sản hữu hình nói chung, phương pháp thị trường là phương pháp được áp dụng phổ biến thì phương pháp này lại không được khuyến khích sử dụng khi định giá tài sản vô hình nói chung và quyền sở hữu trí tuệ nói riêng do thiếu các điều kiện để áp dụng phương pháp này. Bên canh đó, một số các phương pháp chỉ áp dụng đối với quyền sở hữu trí tuệ nói riêng mà không thể áp dụng đối với các loại tài sản hữu hình khác như phương pháp chi phí… Ngoài ra, có rất nhiều các yếu tố khác nhau chi phối đến định giá quyền sở hữu trí tuệ góp vốn như vai trò của quyền sở hữu trí tuệ đối với hoạt động của bên nhận góp vốn, thời hạn bảo hộ còn lại của quyền sở hữu trí tuệ góp vốn… Do đó, cùng một đối tượng sở hữu trí tuệ góp vốn nhưng giá trị của quyền sở hữu trí tuệ có thể được định giá khác nhau khi được sử dụng để góp vốn vào các loại hình doanh nghiệp khác nhau và thường rất khó để có thể định giá chính xác một quyền sở hữu trí tuệ cụ thể.
- Thứ năm, góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ chịu sự điều chỉnh của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật sở hữu trí tuệ.
Góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ là một khía cạnh trong pháp luật doanh nghiệp. Vì vậy, việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành của pháp luật doanh nghiệp điều chỉnh việc góp vốn bao gồm chủ thể góp vốn, đối tượng góp vốn, trình tự thủ tục góp vốn…
Bên cạnh đó, với các đặc trưng của tài sản góp vốn là quyền sở hữu trí tuệ thì việc dùng loại tài sản này để góp vốn thành lập doanh nghiệp còn phải dựa trên các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như xác định quyền sở hữu hợp pháp đối với quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng bị hạn chế góp vốn, thủ tục chuyển giao quyền sở hữu cho bên nhận góp vốn…
[1] Điều 1832, Bộ luật dân sự của Cộng hòa Pháp phiên bản có hiệu lực ngày 17/03/2021
[2] Butler , Herry N., The contractual theory of the corporation, George Mason University law, Vol 11, No 4, 1989, pp 99-123
[3] Martin, Elizabeth A., Oxford Dictionary of Law, Oxford University press, 2003
[4] Một số khía cạnh về quyền cổ đông, tapchitaichinh.vn
[5] Sỹ Hồng Nam, Pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất”, Luận án Tiến sĩ luật học, Học viện Khoa học Xã hội, 2016
[6] Điều 93, Văn bản hợp nhất số 07/VBHN –VPQH của Văn phòng quốc hội ngày 25/06/2019 về Luật SHTT
Góp Vốn Thành Lập Doanh Nghiệp Bằng Sở Hữu Trí Tuệ nội dung đã được đội ngũ chúng tôi kiểm chứng và xác thực dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, hy vọng bài viết này sẽ hỗ trợ được cho các bạn và chúc bài khóa luận của các bạn đạt điểm cao. Ngoài ra, chúng tôi còn chia sẻ rất nhiều bài viết với nhiều chủ đề khác nhau phục vụ cho bài báo cáo thực tập, khóa luận tốt nghiệp, mời các bạn theo dõi website để cập nhật những bài viết mới nhất.
Số điện thoại : 0917.193.864
Zalo : 0917.193.864